Việt Nam đang hướng đến một ngành nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tích hợp đa giá trị. Ở đó, chăn nuôi sạch, phát triển chăn nuôi xanh và lợi ích bền vững không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và còn là “lực đẩy” để các sản phẩm xanh – sạch của Việt Nam xuất khẩu đến các nước trên thế giới.
Đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống
Ngày 29/5/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh và bền vững” do Cục Chăn nuôi, phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) tổ chức trong khuôn khổ triển lãm ILDEX Vietnam 2024.
Ngành chăn nuôi có nhiều mục tiêu đã đạt và vượt
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong những năm qua ngành chăn nuôi tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sức tiêu thụ giảm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng và là một trong những lĩnh vực tăng trưởng tốt nhất, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân và bắt đầu tham gia vào xuất khẩu. Ngành chăn nuôi duy trì phát triển 5,7%, đóng góp khoảng 26% vào GDP ngành nông nghiệp.
Trong quá trình phát triển, một số vấn đề liên quan đến giá trị, lợi nhuận, lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là người sản xuất đã được ngành nhận diện. Trong những năm qua, để duy trì phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi đã tập trung xây dựng “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện Chiến lược này, vừa qua, ngành chăn nuôi đã triển khai 3 đề án ưu tiên phát triển ngành chăn nuôi đó là: Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi. Các đề án hướng đến mục tiêu: giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1-1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3-4 tỷ USD vào năm 2030.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định về Chính sách chăn nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành trong vài tuần tới thay thế Nghị định 50. Đặc biệt, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Chính phủ đưa đất chăn nuôi tập trung vào Luật đất đai.
Về “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, ông Lã Văn Thảo, Quyền Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Cục Chăn nuôi cho biết, “Chiến lược xác định phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, chăn nuôi an toàn, ATTP, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đối xử nhân đạo với vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống”.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Đặc biệt, đến năm 2025, xây dựng được ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, năm 2030 xây dựng được ít nhất 20 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.
Theo ông Lã Văn Thảo, đến năm 2045, chăn nuôi là ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở đa số các khâu, trong đó, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Một số sản phẩm chăn nuôi chính (thịt, trứng, sữa) được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, 30% được chế biến sâu.
Để triển khai Chiến lược hiệu quả, ngành cũng đưa ra những giải pháp trọng tâm để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, như tiếp tục xây dựng, thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi. Nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi (quy hoạch, chính sách hỗ trợ). Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và ATTP. Ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi. Tăng cường chế biến gắn với thị trường. Phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tích hợp đa giá trị, sản xuất theo chuỗi. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, “Chiến lược của ngành chăn nuôi hiện có nhiều mục tiêu đã đạt và vượt. Đơn cử như, mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng về thịt là 6,5 triệu tấn, nhưng năm 2023 đã đạt 7,79 triệu tấn. Đây là những tín hiệu tích cực để kỳ vọng chăn nuôi Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Do đó, rất cần sự chung tay của các bên trong chuỗi giá trị, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới để ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn”.
Giải pháp để phát triển chăn nuôi xanh
Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt net zero vào năm 2050. Hiện nay, xu thế phát triển chăn nuôi ở Việt Nam là: ngành sản xuất nông nghiệp đang phục vụ ngày càng nhiều cho chế độ ăn toàn cầu hóa. Nâng cao chất lượng; sản xuất thực phẩm hữu cơ; thân thiện với môi trường và coi trọng phúc lợi động vật. Tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh ATTP, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, xu thế phát triển chăn nuôi trên thế giới là giảm diện tích sản xuất và dân số làm nông nghiệp, nhưng sẽ làm gia tăng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đông lạnh và chế biến. Phát triển hệ thống chăn nuôi trong những thập kỷ tới chắc chắn sẽ liên quan đến sự cân bằng giữa an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng, bền vững môi trường và phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng; sản xuất thực phẩm hữu cơ; thân thiện với môi trường và coi trọng phúc lợi động vật.
Chính vì thế, chăn nuôi bền vững cần tập trung vào việc vật nuôi được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt, không bị ngược đãi, được tự do thể hiện các tập tính tự nhiên. Cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm (thịt, trứng, sữa) chất lượng cao, an toàn, giá cả hợp lý. Người chăn nuôi có lợi nhuận, môi trường được bảo vệ. Luôn đảm bảo hài hòa về lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng, vật nuôi và bảo vệ môi trường.
Để bắt kịp xu thế chăn nuôi xanh, Việt Nam cần áp dụng chăn nuôi thông minh vào thực tế sản xuất. Áp dụng đồng bộ các công nghệ thông minh như công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, máy móc,… vào chăn nuôi. Các công nghệ được lựa chọn có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của người chăn nuôi. Liên kết chuỗi chăn nuôi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, nghĩa là liên kết từ trại chăn nuôi kết nối với thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (kể cả xuất khẩu); liên kết năm nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà băng (ngân hàng) và Nhà khoa học). Sản phẩm chăn nuôi an toàn, giá cả hợp lí, sẽ giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Đối với ngành chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, vừa giảm tác hại đến môi trường.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần áp dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Cần kiểm soát tốt chuỗi sản xuất: Kiểm soát kháng sinh, quy trình chăn nuôi, chất lượng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ đầu ra, để vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, vừa bảo vệ và thân thiện với môi trường. Hiện nay, đã có những doanh nghiệp áp dụng thành công như C.P Việt Nam, Tập đoàn TH, Công ty CP Chăn nuôi GREENFEED Việt Nam… Khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất xanh, thân thiện với môi trường thì những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm tốt nhất. Những sản phẩm này sẽ đáp ứng được xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm xanh, sạch. Đây là một trong những yêu cầu được đặt ra trong “Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050” của Việt Nam, là cầu nối cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm cả những quốc gia có tiêu chuẩn cao như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… là một minh chứng rõ rệt cho thấy tầm quan trọng của chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Nguồn tin: nhachannuoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn