Cấu trúc thức ăn đối với sức khoẻ lợn con
- Thứ ba - 18/06/2024 14:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việc tạo cấu trúc trong thức ăn có thể có lợi, nhưng liệu có nên nghiền tất cả các nguyên liệu theo cùng một cách?
Lời khuyên dành cho các chuyên gia dinh dưỡng là hãy suy nghĩ về cách tạo cấu trúc thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và giúp chức năng dạ dày và sức khỏe đường ruột đạt kết quả tốt hơn, thay vì nghĩ cách chế biến thức ăn tốt nhất có thể để chỉ làm tăng khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng.
Việc chế biến thức ăn trong khẩu phần của lợn đã được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Ở hầu hết các nước châu Âu, thức ăn truyền thống của lợn thường được chế biến kỹ bằng cách nghiền tất cả các nguyên liệu thô, thường bằng máy nghiền búa và sau đó đóng thành viên; với cách làm như vậy, hiệu quả sử dụng thức ăn ở lợn có thể tăng khoảng 2% so với sử dụng thức ăn bột. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy rằng nếu thức ăn được nghiền quá mịn (> 80% hạt <200 µm), thì thời gian lưu lại trong dạ dày quá ngắn có thể dẫn đến loét dạ dày và làm trục trặc hàng rào dạ dày. Mặt khác, thời gian lưu lại kéo dài của các chất trong dạ dày ở một mức độ nào đó có thể trở nên có lợi ở lợn con. Ví dụ như sự cải thiện quá trình thủy phân protein trong dạ dày sẽ giúp cho khả năng tiêu hóa protein cao hơn trong suốt ruột non.
Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi dành cho các chuyên gia dinh dưỡng là hãy suy nghĩ về cách tạo cấu trúc trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và giúp chức năng dạ dày và sức khỏe đường ruột đạt kết quả tốt hơn, thay vì nghĩ cách chế biến khẩu phần tốt nhất có thể để chỉ làm tăng khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng. Do đó, điều quan trọng là phải tạo ra đủ cấu trúc trong khẩu phần bằng cách thêm các hạt thô để kích thích chức năng dạ dày tối ưu lưu chuyển dần dần các chất chứa từ dạ dày đến ruột non. Cấu trúc thức ăn này có thể được tạo ra bằng cách nghiền các nguyên liệu đơn có giá trị năng lượng thấp, như cám lúa mì hoặc rơm lúa mì. Đã có chứng minh (bởi tác giả Molist và cộng sự 2011) rằng, việc cho lợn con ăn cám lúa mì thô thay vì xay mịn (mức độ bao gồm 4%) trong hai tuần đầu tiên sau cai sữa đã mang lại hiệu quả trong việc giảm sự bám dính của khuẩn E. coli vào niêm mạc hồi tràng và giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy sau khi gây nhiễm E. coli gây độc tố ruột (Hình 1).
Hình 1. Tổng số khuẩn E. coli và E. coli K88 cụ thể gắn vào niêm mạc hồi tràng của lợn con sau cai sữa sau khi gây nhiễm với khuẩn E. coli K88 (phỏng theo Molist và cộng sự 2011).
Chú thích:
x,y : Các ký tự trên khác nhau trong một cột cho thấy sự khác biệt theo từng ký tự giữa các lô thử nghiệm (P <0,05).
ab : Các ký tự trên khác nhau trong một cột cho thấy sự khác biệt theo từng ký tự giữa các lô thử nghiệm (P <0,05).
Mặc dù kết quả nghiên cứu trên lợn con cai sữa về đánh giá hiệu quả các hạt thô trong khẩu phần còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu trên lợn choai đã liên tục cho thấy những tác dụng có lợi. Trong một nghiên cứu của tác giả Hedemann và cộng sự (2005), lợn choai (có khối lượng cơ thể 33 kg) được cho ăn thức ăn thô ở cả dạng bột hoặc dạng viên (80,1% hạt <1000 µm, 15,6% giữa 1000 và 2000 µm, 2,1% giữa 2000 và 3500 µm , và 2,3%> 3500 µm) cho thấy khối lượng dạ dày trống rỗng tương đối cao hơn (+ 7%) so với lợn được cho ăn thức ăn nghiền mịn (93,6% hạt <1000 µm, 6,4% giữa 1000 và 2000 µm, 0,0% giữa 1000 và 2000 µm và 0,0%> 3500 µm).
Trong nghiên cứu thứ hai từ tác giả Warneboldt và cộng sự (2016), sử dụng những con lợn có cùng khối lượng cơ thể, nghiên cứu này đã chỉ ra hàm lượng độ pH trong vùng đáy dạ dày của những con lợn được cho ăn thức ăn thô (đường kính trung bình hình học 671 µm) thấp hơn đối với thức ăn thô (pH 2,5) so với lợn ăn khẩu phần nghiền mịn (đường kính trung bình hình học 217 µm; pH 5,0).
Trong một nghiên cứu thứ ba từ tác giả Bornhorst và cộng sự (2013), thời gian lưu lại trong dạ dày của lợn-30-kg ăn khẩu phần có tỷ lệ gạo lứt cao (có chứa vỏ trấu) hoặc gạo trắng đã tách vỏ đã được đo lường. Thời gian lưu lại trong dạ dày của lợn ăn khẩu phần gạo lứt kéo dài lâu hơn so với lợn ăn gạo trắng đã chà xát vỏ. Việc lưu lại ở dạ dày mang lại kết quả tích cực là do vỏ trấu tồn tại lâu hơn trong dạ dày. Vỏ trấu lưu lại lâu hơn trong dạ dày dẫn đến độ pH trong dạ dày thấp hơn 20 phút sau khi cho lợn ăn so với những con lợn được ăn khẩu phần dựa trên gạo đã tách vỏ (Hình 2).
Hình 2. Độ pH dạ dày ở phần xa của dạ dày tại các thời điểm khác nhau (20 đến 300 phút) sau khi cho ăn (phỏng theo Bornhorst và cộng sự 2013).
Trong thực tế, có thể rất khó để tìm ra các sản phẩm phụ giàu chất xơ (ví dụ như cám lúa mì hoặc vỏ yến mạch) có thể được nghiền thô, từ đó làm cho cấu trúc thức ăn hoặc các sản phẩm phụ đó cũng có thể bị nhiễm các hợp chất không mong muốn (ví dụ: độc tố nấm mốc). Nếu không thể hoàn thiện cấu trúc thức ăn bằng cách bổ sung các phụ phẩm giàu chất xơ này trong việc chăn nuôi của bạn, chúng ta sẽ cần tìm các loại thức ăn chăn nuôi khác. Các nguồn protein không nên nghiền thô để tránh làm cho khả năng tiêu hóa protein bị suy giảm. Do đó, lựa chọn còn lại để đưa cấu trúc thức ăn vào khẩu phần là các nguồn giàu tinh bột, ví dụ: hạt ngũ cốc. Một khả năng có thể là thêm một tỷ lệ ngũ cốc ở dạng ngũ cốc nguyên hạt vào máy trộn và sau đó tạo thành viên. Một khả năng khác là nghiền một tỷ lệ nhỏ ngũ cốc (như 5%) vào máy nghiền trục lăn và sau đó tạo viên. Sự thành công của chiến lược này phụ thuộc vào tỷ lệ ngũ cốc sẽ giữ được cấu trúc sau khi đóng viên (ở dạng nguyên hạt hoặc cuộn). Theo kinh nghiệm mà chúng tôi đã đúc kết được cho đến nay, có vẻ như việc thêm 5% lúa mạch được cán vào hỗn hợp và sau đó tạo thành viên thức ăn có thể đủ để mang lại một số tác động tích cực trong việc duy trì dạ dày và sức khỏe đường ruột của lợn con sau cai sữa. Trong những năm tới, nhiều nghiên cứu sẽ được tiến hành về cách tối ưu hóa cấu trúc thức ăn cho lợn bằng cách chế biến đơn lẻ một số nguyên liệu. Kỷ nguyên nghiền tất cả các nguyên liệu theo cùng một cách sẽ đi đến kết thúc nếu chúng ta muốn đạt được sự cân bằng phù hợp giữa hiệu quả sử dụng thức ăn và sức khỏe dạ dày-ruột ở lợn.