Bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa
- Thứ sáu - 05/07/2024 09:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 24/6/2024 cả nước đã có 49 người tử vong do bệnh Dại tại 27 tỉnh, thành và đang diễn biến phức tạp, đặc biệt hiện nay đang trong mùa hè nắng nóng, đây là thời điểm dễ phát sinh bệnh Dại ở động vật. Người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo.
Khái niệm
Bệnh Dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người do virus hướng thần kinh gây ra ở động vật máu nóng người và động vật khi bị nhiễm virus dại tuỳ thuộc loài, độc lực, số lượng virus và vị trí vết cắn thì có thời gian ủ bệnh, phát bệnh khác nhau. Đây là loại virus hướng thần kinh, chúng phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết đau đớn và hoảng loạn.
Người mắc bệnh Dại có các biểu hiện như sợ nước, sợ gió, co giật, liệt, khi đã lên cơn dại đối với người và động vật tỷ lệ tử vong là 100%. Loài mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), ngoài ra có mèo nuôi, động vật hoang dã và một số loài động vật có vú khác. Tuy nhiên, người bị chó cắn có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh Dại có thể thay đổi từ vài ngày đến vài tháng tùy thuộc vào vị trí của vết cắn, đa số phát bệnh trong vòng từ 21-30 ngày sau khi con vật nhiễm virus, bệnh thường được chia làm 2 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại đều có biểu hiện ở cả 2 thể này và xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.
Khi ở thời kỳ đầu của bệnh, chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, con vật tỏ ra vồn vã, thỉnh thoảng sủa vu vơ, con vật bồn chồn, chảy nước dãi, sùi bọt mép, đi lại siêu vẹo. Thời kỳ sau của bệnh con vật bỏ nhà đi lang thang, khi gặp vật lạ, gặp người nó xẽ cào cắn và tấn công những con chó và các động vật khác. Mèo ít bị mắc dại hơn chó, bệnh Dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó, mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục, khi bị chạm vào thì cào, cắn mạnh.
Những quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại
Chủ nuôi chó mèo phải có khai báo với UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan thú y; chó méo nuôi phải đươc xích, nhốt giữ trong khuôn viên gia đình để bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và có người dắt; không nên đùa nghịch chọc phá chó và các vật nuôi dễ bị nhiễm và truyền lây bệnh Dại. Nếu nuôi tập trung số lượng lớn phải bảo đảm vệ sinh thú y, không gây ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt của khu dân cư, chấp hành nghiêm túc tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho chó, méo theo quy định.
Tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh Dại. Việc tiêm phòng cho đàn chó, mèo do cơ quan chuyên ngành thú y xác định và đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 90% trong diện phải tiêm. Hằng năm, ngành Thú y tổ chức tiêm phòng cho đàn chó 2 đợt, đợt 1 vào tháng 3 và tháng 4; đợi 2 vào tháng 9, 10 và tổ chức tiêm bổ xung hằng tháng.
Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo của gia đình, khi phát hiện chó, mèo cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly, báo ngay cho Chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở phối hợp xử lý.
Chi cục Chăn nuôi Thú y kiểm tra công tác tiêm phòng Dại cho đàn chó vụ xuân 2024
Khi bị chó, mèo cào, cắn nhanh chóng rửa kỹ vết cắn bằng xà phòng dưới vòi nước máy trong vòng 15 phút, sát khuẩn bằng cồn 45-700 hoặc cồn Iốt để làm giảm lượng virus dại tại vết cắn, đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời. “Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam”. Lưu ý, nếu vết cắn ở đầu, mặt, cổ, vai, vùng gần tủy sống, ngoài tiêm vắc xin cần nhanh chóng tiêm cả huyết thanh kháng dại dù con vật có bị dại hay không, nếu tiêm trễ hiệu quả vắc xin sẽ giảm hoặc không còn tác dụng.
Tất cả chó, mèo không tiêm phòng dại đều bị đập diệt, chủ chó, mèo phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc đập diệt và chịu trách nhiệm hình sự nếu để chó, mèo bị dại cắn người gây tử vong.